Activities

Hợp đồng tương lai: Lá chắn trong biến động giá nguyên liệu

, 10/09/2011, 11:12 GMT+7

 

Về bản chất, việc giao dịch các hợp đồng hàng hóa tương lai tương đương với việc mua hàng trong tương lai nhưng với giá đã được xác định tại hiện tại.

 

Hợp đồng tương lai (HĐTL) là một công cụ tài chính được giao dịch tại các sở giao dịch hàng hóa. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ ra các chiến lược cơ bản trong việc sử dụng hợp đồng tương lai, với mục tiêu phòng ngừa rủi ro biến động giá cho doanh nghiệp.

HĐTL là một nghĩa vụ mua hoặc bán một loại hàng hóa trong tương lai với giá đã xác định. Trong HĐTL, các yếu tố về khối lượng, chất lượng hàng được quy chuẩn, ngày giao hàng được xác định trước.

Do vậy, về bản chất, việc giao dịch các hợp đồng hàng hóa tương lai tương đương với việc mua hàng trong tương lai nhưng với giá đã được xác định tại hiện tại. Việc giao dịch này giúp cho thị trường có thể tự điều chỉnh giá. Khi có biến động (chẳng hạn điều kiện thời tiết thay đổi…) sẽ xảy ra trong tương lai thì giá cả sẽ được phản ánh trên thị trường tương lai trước khi có sự thay đổi giá thực sự trên thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể chủ động về kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc tham gia thị trường có giá cả được niêm yết công khai sẽ là căn cứ để các doanh nghiệp thực hiện việc mua bán của mình, mà không cần lo ngại việc mua bán không đúng giá, ép giá.

Lợi ích của việc sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro về giá này có thể thấy qua một ví dụ cụ thể.

Tháng 7/2011, doanh nghiệp A có tồn kho là 45 tấn sợi, tương đương với 50 tấn bông nguyên liệu (để dệt 1 tấn sợi cần khoảng 1,1 tấn bông), giá bông nguyên liệu và giá sợi thành phẩm sẽ biến động cùng chiều theo một tỷ lệ xác định. Tại tháng 7/2011, giá bông nguyên liệu giao dịch trên Nybot là 1 USD/lb và giá sợi thành phẩm doanh nghiệp có thể bán được là 2.500 USD/tấn, giá trị hàng tồn kho là 112.500 USD. Do lo ngại thị trường bất ổn, giá bông trên Nybot giảm ảnh hưởng đến giá sợi tồn kho, doanh nghiệp A sẽ thực hiện giao dịch HĐTL ngay trong tháng 7 như sau:

Bán 2 hợp đồng cotton (bông) giao tháng 12 trên sàn Nybot (1 hợp đồng là 50.000 lb, xấp xỉ 25 tấn) ở mức giá hiện tại 1 USD/lb. Doanh nghiệp A dự định sẽ bán hết tồn kho vào thời điểm tháng 10, nên doanh nghiệp chọn hợp đồng gần nhất với tháng 10 là hợp đồng tháng 12 để đảm bảo tính tương quan cao nhất.

 

Có hai trường hợp sau xảy ra:

Trường hợp 1: Giá bông nguyên liệu giảm dẫn đến giá tồn kho giảm

Tháng 10, nếu giá bông tháng 12 giảm xuống còn 0,9 USD/lb, doanh nghiệp sẽ tiến hành mua lại 2 hợp đồng bông tháng 12 ở mức giá này và thu được lợi nhuận:

(1 - 0,9) x 50.000 x 2 = 10.000 USD

Tuy nhiên, do giá bông nguyên liệu giảm, doanh nghiệp chỉ xuất bán sợi trong tháng 10 với giá 2.300 USD/tấn và số lỗ do hàng tồn kho giảm giá là 9.000 USD.

Khoản lỗ này đã được bù đắp bởi lợi nhuận thu được từ thị trường tương lai. Doanh nghiệp A đảm bảo giá trị hàng tồn kho/doanh thu của mình như kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

 Trường hợp 2: Giá bông nguyên liệu tăng dẫn đến giá tồn kho tăng

Tháng 10, nếu giá bông tháng 12 tăng lên 1,1 USD/lb, doanh nghiệp sẽ tiến hành mua lại 2 hợp đồng bông tháng 12 ở mức giá này và phát sinh lỗ:

(1,1-1,0) x 50.000 x 2 = 10.000 USD

Tuy nhiên, do giá bông nguyên liệu tăng, doanh nghiệp xuất bán sợi trong tháng 10 với giá 2.720 USD/tấn và thu thêm lãi dự kiến là 9.900 USD.

Khoản lỗ từ thị trường tương lai sẽ được bù đắp bởi lợi nhuận từ sợi xuất bán thực tế. Doanh nghiệp A đảm bảo kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Như vậy, trong cả hai trường hợp, giá tăng và giá giảm, doanh nghiệp đều bảo vệ được giá trị hàng tồn kho, biểu thị bằng chiều cao cột “Tổng cả hai thị trường”, hầu như không thay đổi.

Đối với trường hợp doanh nghiệp B, đã chốt trước đầu ra, phương pháp phòng ngừa rủi ro cho bông nhập vào được tiến hành theo phương thức mua trước, bán sau. Với cơ chế bù trừ như trên, dù giá nguyên liệu tăng hay giảm, doanh nghiệp luôn nhập được bông theo mức giá được xác định trước.

Với ưu thế về tính thanh khoản, ký quỹ thấp, giao dịch HĐTL có thể phòng ngừa rủi ro biến động giá cho tất cả các mặt hàng cơ bản nói chung, giúp doanh nghiệp đảm bảo kế hoạch kinh doanh đã đề ra một cách chủ động, nhanh chóng mà không cần phải bỏ ra toàn bộ số tiền tương đương với lô hàng cần chốt giá.

Theo Đào Duy Long
 ĐTCK
 
 

Written : Theo Đào Duy Long